TRẢI NGHIỆM HỌC NỘI TRÚ Y KHOA TẠI MỸ CỦA BÁC SĨ GỐC VIỆT

Christina Nguyễn cho biết học nội trú y khoa tại Mỹ không cần đóng học phí, ngược lại còn được trả lương, trung bình 64.000 USD một năm.

Bác sĩ Christina Nguyễn (Nguyễn Ngọc Trang) hiện là bác sĩ gia đình cho CommonSpirit, một trong những tổ chức y tế phi lợi nhuận hàng đầu tại Mỹ. Cô cũng hướng dẫn lâm sàng cho sinh viên y và là tác giả hai cuốn sách giúp học tiếng Anh và sử dụng tiếng Anh trong khám chữa bệnh.

Nữ bác sĩ gốc Huế sống ở bang Nebraska, tốt nghiệp loại ưu Đại học Creighton, sau đó tiếp tục học y và đào tạo nội trú tại University of Nebraska Medical Center. Trước khi trở thành bác sĩ gia đình, cô từng trải qua hơn chục năm học tập.

Ngoài công việc của một bác sĩ gia đình, Christina Nguyễn còn có kênh YouTube, trang riêng hướng dẫn học tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm học, làm việc tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài công việc của một bác sĩ gia đình, Christina Nguyễn còn có kênh YouTube, trang riêng hướng dẫn học tiếng Anh và chia sẻ kinh nghiệm học, làm việc tại Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Christina Nguyễn chia sẻ, tại Mỹ, trước khi học y, sinh viên cần hoàn tất một chương trình đại học và có bằng cử nhân. Sau đó, họ phải đăng ký các lớp theo yêu cầu (pre-requisites), ôn thi MCAT (Medical College Admission Test - bài thi chuẩn hóa đầu vào của trường y).

Các lớp được yêu cầu thuộc hệ đại học và cũng là những lớp cần thiết để tốt nghiệp cho sinh viên theo ngành sinh học, hoá học và sinh hoá học. Do đó, sinh viên theo học những ngành này sẽ thuận lợi hơn. Những cử nhân ngành khác cần sắp xếp học thêm các lớp yêu cầu nếu muốn ứng tuyển.

"Vì điều kiện này nên sinh viên ngành nào cũng có thể ứng tuyển vào trường y, miễn sao học đủ các lớp theo quy định", bác sĩ giải thích.

Theo Christina, sau khi được nhận, sinh viên nên xác định mình muốn theo chuyên ngành nào để có sự chuẩn bị cần thiết cho chương trình nội trú. Hồ sơ đăng ký nội trú sẽ thực hiện vào năm cuối. Tại Mỹ, để được hành nghề, tất cả bác sĩ cần qua đào tạo nội trú tại các chương trình được Tổ chức ACGME công nhận. ACGME chịu trách nhiệm công nhận các chương trình đào tạo y khoa sau đại học cho bác sĩ ở Mỹ.

Quá trình học nội trú diễn ra 3-7 năm tùy vào chuyên ngành. Sau đó, bác sĩ còn có thể đào tạo chuyên sâu hơn trong những chương trình Fellowship nếu muốn.

"Tổng thời gian, nếu các bạn học không bị gián đoạn, sẽ mất từ 11 đến 15 năm, hoặc hơn sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông", Christina Nguyễn nói.

Mức lương trung bình bác sĩ nội trú nhận được từng năm theo thống kê 2021của Medscape.

Mức lương trung bình bác sĩ nội trú nhận được từng năm theo thống kê 2021của Medscape.

Theo cô, điều thú vị về chương trình đào tạo nội trú y khoa tại Mỹ chính là bác sĩ được xem như người lao động, không phải người học. Do đó, trong thời gian đào tạo nội trú, họ không cần đóng học phí, ngược lại còn được trả lương.

Bảng chế độ đãi ngộ của University of Nebraska Medical Center cho biết mức lương cho bác sĩ nội trú năm nhất là 59.570 USD, năm hai trên 61.000 USD. Ở năm thứ 10 (nội trú 6 năm, thêm bốn năm chuyên sâu), họ có mức lương trên 86.000 USD mỗi năm.

Thống kê năm 2021 từ Medscape, một tạp chí uy tín trong ngành y, cho thấy mức lương trung bình của bác sĩ nội trú là 64.000 USD một năm và sẽ được tăng lên theo thời gian. Năm thứ nhất trung bình 57.000 USD, năm hai khoảng 60.000 USD, năm ba 62.000 USD đến năm 6-8 là 70.300 USD.

Ngoài lương, người học còn được hưởng các lợi ích như nghỉ đi chơi (vacation), nghỉ sau sinh (maternity/paternity leave), bảo hiểm sức khỏe (health insurance), bảo hiểm thương tật (disability insurance), bảo hiểm nhân thọ (life insurance), tiền để dành về hưu (retirement plan), tiền phụ cấp ăn uống (meal allowance), theo website của University of Nebraska Medical Center.

Christina Nguyễn cho biết thêm đăng ký ứng tuyển vào nội trú y khoa Mỹ khá cạnh tranh, và ưu tiên cho những người học trường y tại Mỹ. Vì thế, để trở thành bác sĩ tại Mỹ, con đường ngắn và thuận lợi nhất cho các bạn trẻ là du học từ trung học hoặc ngay khi vào đại học.

Các bác sĩ học y ở Việt Nam và các nước khác muốn đăng ký vào nội trú y khoa Mỹ cần có giấy chứng nhận của ECFMG, để các chương trình nội trú có thể xác định bạn đã được đào tạo y khoa tương đương với tiêu chuẩn tại Mỹ.

ECFMG là ủy ban Giáo dục sinh viên y tế nước ngoài được ủy quyền để hướng dẫn và đánh giá trình độ của bác sĩ, sinh viên tốt nghiệp các trường y ngoài nước Mỹ.

"Con đường đăng ký nội trú y khoa Mỹ khá gian nan cho người học trường y ngoài nước Mỹ. Tuy nhiên, có một thể lệ hay, là họ có thể ứng tuyển lại nếu lần đầu tiên không thành công", cô chia sẻ.

Các chương trình nội trú đang có xu hướng ưu tiên các bác sĩ đăng ký trong vòng 5 năm kể từ ngày tốt nghiệp y khoa. Christina Nguyễn cho rằng đây là điều rất có lợi, vì có thể dành thời gian ôn luyện và đăng ký nhiều lần.

Số lượng chương trình đào tạo nội trú ở Mỹ rất nhiều. Nội tổng quát có hơn 400, bác sĩ gia đình trên 700 chương trình, do đó, bạn có nhiều lựa chọn và cơ hội để được nhận.

Christina Nguyễn hướng dẫn sinh viên thực tập tại phòng làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Christina Nguyễn hướng dẫn sinh viên thực tập tại phòng làm việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo Vnexpress

HOTLINE tư vấn du học miễn phí 24/7: 0919 16 42 43

Access American Education

Tư vấn Du học & Tuyển sinh Mỹ - Canada hàng đầu Việt Nam

- Miễn phí tư vấn hồ sơ du học 24/7

- 12 năm kinh nghiệm hoạt động toàn diện về du học

- Đối tác mật thiết với 400+ trường uy tín tại Mỹ và Canada

- Đặt lịch hẹn gặp gỡ trực tiếp với Đại diện trường mà PH-HS quan tâm

- Làm hồ sơ Visa & luyện phỏng vấn với giáo viên nước ngoài



BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ

Văn phòng
Hotline
Messenger
Zalo